1. Phố núi mưa.
Hầu như chiều nào cũng vậy.
Sau một buổi sáng nắng miên man là mưa ập tới.
Trong cái lành lạnh âm u, tự dưng thèm một ly rượu hồng. Một ly nhỏ thôi cũng được.
Cái vị rượu hồng quả thật đặc biệt. Thơm mùi hồng. Nồng nã mùi rượu. Khi uống vào,ngọt ngào đến độ muốn say. Nó không chát như thứ rượu vang. Hay ngọt sắc sảo và có vị chua như rượu mơ.
Rượu hồng. Ừ rượu ngâm từ quả hồng phố núi ấy, mang một hương vị khác biệt, không lẫn đi đâu được. Chỉ ai lên phố núi mùa này mới cảm nhận được mùa hồng đang về. Đẹp lắm!
2. Chiều ấy ghé qua nhà chị. Được uống ly rượu hồng bên bếp lửa.
Phố núi cứ tắt nắng là lạnh. Ngồi bên bếp lửa nguời đàn ông vừa nhóm, chợt nhớ đến những chai rượu hồng của chị. Thế là hỏi và được chị chiêu đãi ngay tức thì.
Nhấp môi một cái thôi đã thấy người ấm lên. Dường như mọi giá lạnh ở cái xứ mù sương này tan chảy hết.
Chị – người đàn bà suốt đời cặm cụi với việc kiếm tiền. Thời trẻ chị có một cửa hàng thuốc tây lớn nhất chợ Đà Lạt. Hàng xóm chẳng bao giờ thấy mặt vì chị đi từ sáng đến tối. Chồng chị, một dược sỹ cả đời trong phòng thí nghiệm. Sau nhiều năm tích cóp, xây được một ngôi nhà 5 tầng mặt phố để cho thuê. Ban đầu làm khách sạn. Nhưng không có người trông coi nên sau thành nhà trọ. Mới năm ngoái hai vợ chồng chị quyết định bán ngôi nhà mặt phố ấy chia bớt tiền cho 3 đứa con. Còn lại sửa sang thêm căn nhà cấp 4 trong khu vườn rộng đến 2000m2 mà bấy lâu để hoang. Khu vườn đẹp, thông reo vi vu ngày đêm, nằm ngay mặt đường phía sau thác Cam Ly một đoạn. Nhưng vì nó nằm trong dự án nào đó nên khó bán và chủ thì cũng chẳng thể xây dựng gì.
Giờ về già chị đam mê vườn tược. Người đàn ông của chị đam mê viết lách và chế biến tinh dầu.
Ngôi nhà trong khu vườn rộng mênh mông ấy quả thực là niềm ao ước của không ít người. Vì nó không quá xa trung tâm. Cần mua bán gì là chạy vào phố rất gần.
Chị – người đàn bà hầu như không thích giao du với ai. Không bạn bè. Không tụ tập. Ngược hẳn lại với đức ông chồng thì quen gần hết phố núi.
Với chị trồng rau, nuôi gà, chăm sóc vườn tược, thế là đủ. Các con đứa nào cũng đã yên bề và khá giả, không phải lo gì.
Thỉnh thoảng chị lại ngâm các loại hoa quả để làm rượu. Nhưng có lẽ tôi ấn tượng nhất là thứ rượu hồng.
Mê gì đâu…
Hồng sấy dẻo truyền thống
3. Mùa này lên phố núi, hẳn các bạn sẽ mê mẩn vì những cây hồng sai trĩu quả. Nếu để chín trên cây lủng lẳng một màu đỏ ối rất đẹp.
Trông xa như những chiếc đèn lồng mùa trung thu.
Hồng phố núi không như hồng ngoài Bắc. Bởi chỉ một cây người ta có thể ăn hồng giòn hay ngọt chín đều được.
Cái kiểu làm hồng giòn nơi đây cũng lạ. Người ta hái quả xanh từ trên cây rồi cho vào một túi ny long (tùy thích bao nhiêu kg), lót giấy báo ở dưới rồi buộc kín lại, không cho không khí vào. Để chừng hơn 10 ngày, mở ra, người ta sẽ được ăn thứ hồng giòn ngọt, hết sạch vị chát. Nếu chưa đủ thời gian thì kiểu gì cũng bị chát. Ăn giòn, ngọt y như hồng ngâm ngoài Bắc vậy.
Còn nếu thích ăn chín thì cứ để trên cây hoặc hái xuống rồi để bên ngoài bình thường. Đến lúc chín đỏ là ăn được.
Hôm trước lang thang ra đường, tôi nhìn thấy một cây hồng của nhà gần đấy đang trĩu quả. Dừng lại ngắm nghía thì chị chủ nhà chạy ra đưa cho hai quả hồng đã chín vàng: – Quả của nhà đấy, em ăn đi.
Vội vàng cảm ơn chị! Người Đà Lạt dễ thương đến lạ…
Lại nhớ những mùa hồng trước… Quán cafe Ivy… gần kề Công an tỉnh.
Những cây hồng sai chi chít. Đỏ mọng đến khát thèm. Ghé uống cafe lại được vợ chồng chủ nhà tặng cho bao nhiêu hồng mang về ăn.
Anh chủ bảo: Cây trong vườn không kịp hái, cứ rụng đầy. Năm nay đi vắng nhiều, không ai hái được nên gọi người đến bán cả vườn để cho họ hái hộ luôn.
Quả hồng bán chẳng được giá bao nhiêu. Nhưng có lẽ không tốn mấy công chăm sóc nên mặc dù có năm bị rớt giá vì bị đồn hồng Trung Quốc thì cứ đến hẹn lại lên, đúng mùa, hồng lại được xếp ngay ngắn trong từng bịch ny long bày bán khắp nơi. Trong chợ, ngoài lề đường hay bất cứ chỗ nào đông dân du lịch, là có hồng.
4. Hôm rồi mới gặp lại chị trong một bữa tiệc. Thịt nướng ngập bàn. Rau ngập bàn. Bia ngập bàn. Nhưng tự nhiên cứ nhớ đến những bữa cơm giản dị của chị. Rau cải, đỗ chị trồng. Trứng gà ta rán màu vàng ươm. Và món rượu hồng thì càng uống càng phê. Từng giọt ngấm qua cổ họng là thấy thấm đẫm vị quả hồng đang êm ái lan tỏa. Say đến chết được.
Là thứ rượu hồng chứ không phải loại nước ép hoa quả mà ta hay uống ở các hàng giải khát. Ngọt ngào mà say đắm.
– Chị ơi! Thế làm rượu hồng bằng hồng xanh hay hồng chín?
– Hồng chín. Đem phơi khô rồi ngâm với rượu. Phải để đến 1 năm thì uống mới ngon…
– Ồ, vậy là không phải ngâm với đường như các quả khác. À mà hồng chín thì nó đủ ngọt lịm rồi còn gì…
Ngó chị rồi tự hỏi: Sao một người đàn bà khô khan thế kia lại có thể làm ra thứ rượu ngon chết người đến thế?
Vậy là chẳng có cớ gì mà tôi không thể tự làm ra rượu hồng. Khi mà những trái hồng đang treo lơ lửng trên khắp đồi núi ngoài kia.
Giờ chỉ việc chạy ra chợ, ôm hồng về rồi đem phơi.
Khi nào hồng khô đến tầm dẻo tay là đem ngâm với rượu trắng được.
Một năm nữa nhé, nếu ai ghé qua đây, tôi nhất định sẽ có thứ rượu hồng để đãi.
Cứ hy vọng đi, rằng thứ rượu hồng mà bạn uống sẽ là thứ tuyệt hảo nhất trên đời. Bởi không phải lúc nào bạn cũng được uống nó trên xứ mù sương này đâu! Thật đấy!
(Tản văn: TRÀ MY – baolamdong)