Cách lựa chọn và bảo quản hồng treo gió

Hồng treo gió có thể được bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng trong vòng 12 tháng kể từ ngày đóng gói. Thậm chí, trái hồng treo gió đúng chuẩn khi được lưu trữ trong tủ đông sẽ không bị đông đá mà chỉ hơi cứng lại. Khi để ra bên ngoài nhiệt độ phòng khoảng 15 phút sẽ mềm trở lại.

Hồng treo gió trên giàn. Ảnh: DaLaVi

Trái hồng nông sản Đà Lạt dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nông nghiệp của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã được nâng tầm, trở thành đặc sản hồng treo gió. Trước thực tế sản phẩm hồng treo gió có giá trị cao, nhiều nông dân đã sản xuất mà không phải hộ nông dân nào cũng thực hiện đúng chuẩn theo tổ chức JICA. Được sự tư vấn của DaLaVi – thương hiệu chuyên về đặc sản Đà Lạt, trong đó có hồng treo gió, Sài Gòn Tiếp Thị Online hướng dẫn người tiêu dùng trang bị những kiến thức để mua đúng loại hồng treo đạt chuẩn nếu bạn đọc có du xuân đến Đà Lạt trong kỳ nghỉ năm mới và muốn thưởng thức loại đặc sản này.

Màu sắc thể hiện nguyên liệu chuẩn

Khâu quan trọng nhất khi làm trái hồng treo gió là khâu chọn nguyên liệu. Quả hồng đầu vào phải đạt độ chín nhất định nhưng vẫn đủ độ cứng. Trái hồng đạt chuẩn sau khi treo khoảng ba đến bốn tuần sẽ có màu hơi ngả nâu thâm thẫm.

Nếu trái hồng nguyên liệu đầu vào không đủ độ đường, khi treo lên sẽ cho ra thành phẩm bị cứng, màu hơi cam, ăn vào có vị chát.

Chọn mua hồng còn cuống

Theo đúng tiêu chuẩn, trái hồng treo ngon là trái hồng trong suốt quá trình treo không bị rụng cuống. Khi hồng bị rụng cuống, người nông dân phải bỏ đi thay vì tiếp tục treo lên. Quả hồng khi rụng cuống được treo gió sẽ vẫn cho ra thành phẩm như hồng còn cuống. Tuy nhiên, một khi đã bị rụng cuống, vi khuẩn dễ xâm nhập vào bên trong quả hồng, sau khi treo gió sẽ bị mất vị tươi ngon của hồng treo. Do đó, người tiêu dùng khi tìm mua hồng treo cần chú ý không lựa chọn loại hồng không có cuống vì không đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Hồng treo đủ ngày

Quả hồng treo gió đúng chuẩn là khi được treo đủ từ ba đến bốn tuần. Nếu chỉ mới treo được 12 ngày, quả hồng sẽ còn ướt bên trong và có vị hồng tươi hơn. Tuy nhiên, cũng có những thực khách yêu thích kiểu hồng thiếu ngày này.

Còn hồng treo quá bốn tuần dễ bị chai cứng. Nguyên nhân gây chai hồng cũng có thể xuất phát từ việc hồng không được massage (xoa bóp kĩ quả hồng để quả hồng treo được ngọt đều, đặc ruột và mềm dẻo hơn) nhiều.

Massage hồng thật đều để quả hồng được mềm dẻo, ngọt đều. Ảnh: DaLaVi

Cẩn thận mua nhầm hồng sấy

Hồng treo gió sẽ có màu nâu thẫm, hồng có màu đen là hồng sấy. Sấy hồng chỉ mất khoảng vài ngày so với thời gian treo hồng nên vị hồng sẽ có nét khác biệt. Nếu muốn mua đúng hồng treo gió đặc sản, người tiêu dùng cần quan sát kĩ màu sắc quả hồng.

Bên trong quả hồng treo gió khá dẻo, tươm mật. Ảnh: Hạnh Tâm

Đừng nhầm tưởng hồng mốc

Đừng nhầm tưởng men đường bên ngoài là mốc trắng. Ảnh: Hạnh Tâm

Quả hồng được massage kĩ hoặc sau một thời gian mua về có thể xuất hiện những men trắng bám xung quanh. Ấy là do trái hồng đã lên men đường, quả hồng càng có lượng đường cao thì men trắng càng nhiều so với những quả hồng khác. Người tiêu dùng khi mua về thấy các men trắng này không cần lo lắng và nhầm lẫn men đường với mốc trắng, hiện tượng lên men đường này là hoàn toàn tự nhiên.

Tâm Lê (theo Sài Gòn Tiếp Thị Online)